Các công nghệ sấy thực phẩm chủ yếu hiện nay

Các công nghệ sấy thực phẩm chủ yếu hiện nay

CÁC CÔNG NGHỆ SẤY PHỔ BIẾN

Hiện nay, có 05 công nghệ sấy được sử dụng phổ biến bao gồm: sấy nhiệt gió, sấy bơm nhiệt, sấy lạnh, sấy chân không và sấy thăng hoa.

Công nghệ sấy nhiệt gió 

Sấy nhiệt gió là phương pháp sử dụng nhiệt lượng được đốt từ các loại nhiên liệu làm cho ẩm trong sản phẩm bốc hơi và thoát ra ngoài. 

Thiết bị sấy nhiệt gió thường có bộ phận gia nhiệt, quạt đối lưu và bộ phận xả ẩm.

Nguồn nhiệt phổ biến để sấy nhiệt gió là đốt than, củi, dầu, gas (thông qua lò đốt trực tiếp, gián tiếp hoặc nồi hơi), đốt điện (điện trở) hoặc nhiệt nóng mặt trời (nhà sấy, nhà phơi…)

Sấy nhiệt gió có thể triển khai ở nhiệt độ từ 40℃ trở lên. Thông thường, quá trình sấy nhiệt gió hiện đại diễn ra ở mức nhiệt 70-80℃ sẽ cho hiệu quả kinh tế tối ưu nhất.

Công nghệ sấy bơm nhiệt

Sấy bơm nhiệt là phương pháp dùng chu trình nhiệt lạnh để bơm nhiệt lượng có trong môi trường tự nhiên (phát ra từ mặt trời, các thiết bị hoặc từ khí thải từ buồng sấy) vào buồng sấy.

Kết cấu của một máy sấy bơm nhiệt thường bao gồm máy bơm nhiệt, nguồn nhiệt phụ, quạt đối lưu, bộ phận xả ẩm.

Máy sấy bơm nhiệt sử dụng điện.

Sấy bơm nhiệt chỉ có thể triển khai được trong khoảng nhiệt từ 30-70℃. Lưu ý, ở nhiệt độ sấy càng cao thì hiệu suất bơm nhiệt càng giảm. Hiệu quả cao nhất của sấy bơm nhiệt nằm ở khoảng nhiệt 50-60℃ với nhiệt môi trường ở 30℃

Công nghệ sấy lạnh

Sấy lạnh là một khái niệm đang được sử dụng khá lẫn lộn ở thị trường Việt Nam. Hầu hết các nhà sản xuất máy sấy đang gọi máy sấy bơm nhiệt của họ là máy sấy lạnh. Và mãi cho đến nay, vẫn chưa thực sự có một khái niệm chính thống về sấy lạnh ở nước ta.

Theo Hai Tấn, sấy lạnh là phương pháp sấy dùng không khí lạnh từ 15-25℃ với độ ẩm thấp để sấy khô sản phẩm. Sấy ở nhiệt độ “lạnh” như thế này giúp bảo quản sản phẩm tốt hơn, đặc biệt là rau củ. Tuy nhiên, ở áp suất khí quyển, không khí có nhiệt độ thấp như vậy sẽ có khả năng hấp thụ hơi ẩm kém, dẫn tới tốc độ sấy chậm.

Phương pháp này nhắm tới sấy các sản phẩm có chứa nhiều tinh dầu (dễ bị phân hủy ở nhiệt độ trên 40℃), và một số sản phẩm nhạy cảm nhiệt độ như tổ yến …

Công nghệ sấy chân không

Sấy chân không là phương pháp sấy sản phẩm ở áp suất chân không. Sản phẩm sấy được gia nhiệt lên tới 30-70℃ để làm hơi ẩm sản phẩm bốc hơi. Hơi ẩm này khi thoát ra sẽ vẫn nằm trong buồng sấy chân không và được thu vào một bẫy nhiệt và chuyển sang dạng rắn (nước đá).

Nhờ việc rút chân không nên buồng sấy gần như không có không khí. Do đó, quá trình oxy hóa không xảy ra giúp cho chất lượng sản phẩm được bảo toàn. Theo lý thuyết, các dưỡng chất có trong sản phẩm có thể giữ được tới 96% so với hàng tươi.

Trong phương pháp sấy chân không, hàng hóa không được cấp đông. Hơi ẩm vẫn ở dạng lỏng bốc hơi thành rắn. Do đó, sản phẩm vẫn bị co ngót.

Thiết bị sấy chân không sẽ bao gồm buồng sấy có khả năng rút chân không, máy bơm chân không, hệ thống nhiệt lạnh. 

Công nghệ sấy thăng hoa 

Sấy thăng hoa là phương pháp sấy sản phẩm ở áp suất chân không và sản phẩm được cấp đông. Khi quá trình thăng hoa xảy ra, hơi ẩm ở dạng rắn (đá) sẽ thăng hoa trực tiếp sang dạng hơi và thoát ra ngoài. Hơi ẩm đó sẽ được thu vào một bẫy nhiệt để trở lại dạng rắn và tiếp tục nằm trong buồng chân không.

Ở phương pháp này, ngoài việc sản phẩm không bị oxy hóa nhờ buồng sấy đã được hút gần hết không khí, sản phẩm còn giữ được nguyên hình dạng nhờ nước thăng hoa từ dạng rắn sang dạng khí.

Trong quá trình sấy, sản phẩm vẫn được gia nhiệt lên tới 50-70℃ để thúc đẩy quá trình thăng hoa. 

Thiết bị sấy thăng hoa gần tương tự như sấy chân không. Tuy nhiên, điều kiện để đạt thăng hoa khó khăn hơn nên thiết bị cần công suất lớn hơn nhiều so với sấy chân không. Tốc độ sấy của phương pháp này cũng chậm hơn sấy chân không 2-3 lần.